TẠI SAO DESIGNER LUÔN MÂU THUẪN VỚI KHÁCH HÀNG

Một vấn đề mà hầu hết các designer đều gặp phải là khó khăn khi phải làm việc cùng khách hàng. Thiết kế CIP, leaflet, brochure, dựng clip 3D … là đa phần công việc họ phải làm. Trong mỗi thiết kế đều có những yêu cầu riêng và cần họ đặt hết tất cả tâm huyết, sự sáng tạo vào. Tuy nhiên, kết cục thường thấy và là nỗi đau không nói nên lời của họ là khi: Những thiết kế ưng ý nhất luôn bị khách hàng chối bỏ.

Thật ra, không cần phải là designer bạn mới hiểu những cảm giác này, cứ tưởng tượng bạn đặt hết sức lực, thời gian vào một công việc duy nhất. Cuối cùng, tạo ra một sản phẩm mà bạn cho là ưng ý nhất và sản phẩm ấy sau đó bị tất cả mọi người gạch đi, coi là không giá trị. Chính những điều này khiến dân thiết kế luôn hụt hẫng, đau đầu, dần dần dẫn đến việc chán nản với nghề. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các trang môi giới marketing lại nhận được nhiều quan tâm như vậy trong thời gian qua. Vậy tại sao khách hàng và designer luôn có mâu thuẫn với nhau trong khi họ lại là những đối tác không thể sống thiếu nhau? Bạn có bao giờ thử giải đáp?

Nền tảng tư duy đối lập nhau
Bước vào ngành sáng tạo, có thể bạn đã tự hỏi khá nhiều lần (hoặc với nội dung tương tự) khi đang làm việc với khách hàng:

Tại sao khách hàng chỉ chăm chăm đòi hỏi việc thể hiện một chi tiết nhỏ của sản phẩm trong thiết kế mà không quan tâm đến hiệu quả của những chi tiết khác quan trọng hơn và cần làm ưu tiên?

Tại sao khách hàng cứ rập khuôn theo những gì mình biết, mặc dù điều này đã lỗi thời từ lâu?

Bực mình nhất là đôi lúc cảm thấy họ thật thiển cận, cứ chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt, mà lại không để ý đến hiệu quả tổng thể
Thỉnh thoảng khi làm việc với những khách hàng đẳng cấp như CEO chẳng hạn, nhưng chúng ta lại cảm thấy họ như ông(lão) không biết gì? Nói hoài phát mệt!
Điểm chung của tất cả những câu hỏi trên là bạn đang tự hỏi: “Tại sao? Họ không làm theo giải pháp hoặc ý kiến của tôi? Khách hàng thật là ngốc nghếch!”

Câu trả lời rất đơn giản, là vì góc nhìn và mối quan tâm của chúng ta và khách hàng (cụ thể là các bạn làm bộ phận marketing) khác nhau:

(1) File thiết kế: Được ban giám đốc (“sếp lớn” hoặc “sếp tổng”) duyệt nhưng phần lớn các sếp thường sử dụng cảm nhận của mình là chính. Một là thích, hai là không thích. Còn hỏi tại sao sếp không thích thì hiếm khi nào có câu trả lời cụ thể. Vì sao ư? Các sếp lớn được đào tạo để suy nghĩ như những người làm kinh doanh, sản sinh ra lợi nhuận cho nên nếu bạn hy vọng sếp có thể nói ra là “anh không thích font Myriad Pro, em chuyển qua xài font Helvetica đi” hay “em cho tăng màu magenta lên chút xíu nữa” thì có lẽ bạn là thằng designer may mắn nhất thế gian này rồi.

(2) Quan điểm của khách hàng là đạt hiệu quả cao trong chiến dịch marketing (được đánh giá dựa trên các con số: lượng người tham gia, lượt view, doanh thu…) Trong khi đó, mối quan tâm của bạn – một designer yêu nghề – là làm sao cho thiết kế này đẹp. Trong rất nhiều trường hợp (nếu không muốn nói là tất cả), quan điểm về cái đẹp (đặc biệt là cái đẹp này phải đem lại hiệu quả về các con số) là rất khác nhau
ở mỗi người. Bạn nói như vậy là đẹp nhưng khách hàng của bạn cho như vậy là chưa đẹp, chưa đủ để thu hút khách hàng của họ. Kết quả thì sao? Người có tiền thường có quyền.

Có thể nói ngắn gọn thế này, tư duy của một bên là làm kinh doanh và một bên là làm mỹ thuật với những mục tiêu khác nhau thì việc hòa hợp trong ý kiến là chuyện không tưởng.

Phạm vi kinh nghiệm khác nhau
Chúng tôi xin kể lại một câu chuyện đã từng được chứng kiến về quá trình “giao lưu tình cảm” giữa Designer và Khách hàng như sau:

Câu chuyện 1: Khách hàng: “Em ơi, sao em làm có mấy cái box mà lâu vậy? Cái này mở file Word ra làm có mấy phút là xong mà”

Câu chuyện 2: Khách hàng: “Em à, cô người mẫu trong hình này nhìn Tây quá mà sản phẩm của chị có đối tượng là người Việt. Nhưng chị rất thích hình này, em làm sao cho cô người mẫu Tây này nhìn giống người Việt chút nha!”
Trong thực tế, có hai dạng khách hàng

1. Theo như câu chuyện đầu tiên, họ chưa hiểu hết và nghĩ công việc của Designer đơn giản là lắp ghép hình và sử dụng các phần mềm (mang tên là Adobe nhưng cũng đơn giản như Microsoft Office)

2. Theo như câu chuyện thứ 2, họ gần như thần thánh hóa các công cụ thiết kế. Với họ, Photoshop có thể làm bất cứ điều gì, ví dụ như biến một cô người mẫu Tây thành người Việt chẳng hạn.

Bạn tự hỏi tại sao lại như vậy? Lý do là công việc của khách hàng hầu như chỉ quẩn quanh các phần mềm như Word, Powerpoint, Excel cho nên họ tự nghĩ các phần mềm khác cũng tương tự. Việc tự mình suy ra người này không chỉ có ở trong ngành sáng tạo này thôi đâu các bạn ạ. Ở khắp nơi đấy! Hoặc cũng có khi khách hàng xem được các video trên Youtube về sự kì diệu của Photoshop rồi lại tin rằng đó là công cụ thần thánh nhất, một phát minh vĩ đại nhất của cuộc cách mạng công nghệ mà quên rằng đó cũng chỉ là một phần mềm với những chức năng có giới hạn.

Bên trả tiền – bên nhận thù lao
Xét cho cùng thì mối quan hệ giữa khách hàng và designer là bên trả tiền – bên nhận thù lao. Và nhiều đời nay, dù là lĩnh vực nào, người trả tiền luôn luôn muốn nhận được nhiều hơn cho số tiền mình đã trả, cũng giống như bạn ra chợ mua bó rau thì phải cố tìm cho được chỗ nào bán rau rẻ nhất rồi khi chọn được rồi cũng cố nài nỉ bà bán rau kèm thêm chút hành lá, tí ớt tươi miễn phí. Đó cũng cùng là lý do bạn từng nghe những câu từ khách hàng như: “Chị thấy vầy đẹp rồi, nhưng em làm thêm vài ba option nữa cho chị so sánh nha”. Dù đau lòng những cũng dễ hiểu mà đúng không?

Tạm kết:
Mối quan hệ giữa các nhà thiết kế đồ họa hay DESIGNER và khách hàng là một khía cạnh quan trọng trong hiệu quả làm việc của bất kỳ công ty thiết kế nào. Thiết kế được trình bày như thế nào, ý kiến của khách hàng ra sao,.. đều có thể tác động lên thiết kế cuối cùng. Designer và khách hàng có thể có quan điểm khác nhau từ 1 bản tóm tắt, nhưng kết quả thiết kế sẽ chỉ có một. Thiết kế đồ họa phải là một giải pháp win-win giữa các nhà thiết kế và khách hàng, do đó nó là quyết định chung tốt nhất cuối cùng. Hy vọng bạn, dù là khách hàng hay designer, sau bài viết này sẽ hiểu thêm về đối phương và có sự hợp tác vui vẻ và hiệu quả hơn.

Nguồn: Sưu tầm